NGỌC HÂN, GIÁNG TUYẾT VÀ Ả NỮ TỲ XÁCH ÐÈN LỒNG
Phần 4 (Hết)
Dưới bóng trăng tà, Ðiền Bá cõng cô gái trên vai, chạy về con đường Na La
để trở lại nhà Ðông Bích. Lúc ấy trời gần sáng, một vài con gà rừng đã gáy
te te, nhưng chưa có người nào đi lại. Ðến cổng, anh đặt cô gái xuống, giở
tài nghệ ra mở cổng trong chớp mắt và xốc cô gái đi qua khoảng vườn, đẩy
cánh cửa bức bàn khép hờ vào chỗ cô gái ngồi thêu hoa lúc canh khuya. Ngọn
đèn dầu vẫn le lói một làn ánh sáng lờ mờ. Anh khêu to ngọn đèn lên, nhìn
một lúc thấy ở gần đấy có một cái giường có gối thêu đệm gấm. Anh bế cô
gái đặt lên trên giường rồi mới kêu người nhà thức dậy. Thấy có người lạ
mặt đột nhập vào nhà mà Giáng Tuyết tên cô con gái nằm thiêm thiếp chưa
tỉnh hẳn, cả nhà hoảng sợ và kêu lên. Mấy người hàng xóm ở gầy đấy nghe
thấy tiếng kêu đổ tới và hỏi Ðiền Bá đầu đuôi câu chuyện. Ðiền Bá thuật
lại hết câu chuyện, không bỏ một chi tiết nào. Nghe thấy thế bà Ðông Bích
run lên cầm cập, muốn té xỉu, phải gọi mãi mới tỉnh. Tất cả nhà và những
người hàng xóm bấy giờ mới chia nhau tíu tít đi tìm rượu và gừng làm thuốc
hỏa thang để thoa vào khắp mình mẩy chân tay cho Giáng Tuyết. Ðến sáng thì
nàng tỉnh. Mọi người xúm lại hỏi sao cô lại mở cửa ra đi như thế và người
nào đã dụ cô lên cồn nọ để cho đầu vào trong thòng lọng thì Giáng Tuyết
quả quyết là nàng không biết gì hết và tưởng là mình đang cùng với hai
người bạn gái đương ngồi trò chuyện vui đùa với bọn tuần tráng ở Tào Sơn
Ðiện và thái hai cái chân giò heo cho bọn tuần tráng nhậu nhẹt cho quên
buồn trong khi canh gác.
Tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế? Thì ra, truy cứu mãi, người ta mới
biết rằng Giáng Tuyết nguyên là một trong ba cô con gái đi chợ Na La một
đêm rét mướt kia đã cùng với hai người bạn gái khác đến xin nghỉ đêm ở Tào
Sơn Ðiện. Không hiểu vì sự tình cờ nào đó, một hôm ông Ðộng Bích đi thuyền
qua chợ, ghé lên mua đồ, gặp cô và thấy cô xinh đẹp, có duyên mà lại tỏ ra
nết na đứng đắn, ông nhận cô làm nghĩa nữ và đem về nhà nuôi. Vì ông Ðông
Bích không con, Giáng Tuyết được thương yêu cưng chiều như con đẻ, cho học
hành, dạy thêu thùa. Giáng Tuyết nghiễm nhiên thành ra một tiểu thư nhan
sắc, tinh thông thi, họa, cầm, kì nhưng không hiểu tiền oan nghiệp chướng
ra sao, cô không mấy lúc được vui và thỉnh thoảng lại tỏ ra như lãng trí.
Cô không biết người đàn ông đến rủ cô đi lên cồn đất. Cô quên hẳn cái đêm
ngủ ở Tào Sơn Ðiện rồi bắt tình với một anh tuần tráng, làm cho nhà cử anh
này tan hoang để rồi đi đến kết cuộc thảm khốc là vợ anh bế hai tay hai
đứa con nhảy xuống hồ Bình Hoa trằm mình. Cô không muốn gì hết, chỉ mong
có một điều đùng ai nói tới mình và đừng ai nói đến quá khứ của cô.
Từ đó, cả nhà bà Ðông Bích giữ gìn cô cực kỳ cẩn thận không rời cô nửa
bước. Cuộc đời trở lại bình thường, nhưng đùng một cái chừng sáu bảy tháng
sau đó Giáng Tuyết một hôm đi chơi về với một con nữ tỳ, lần vào cái mô
đất trước đây, thắt cổ trên cây tự tử và lần này thì chết thật.
Con nữ tỳ thấy chủ chết hoảng sợ chạy như điên trong đêm tối và vấp phải
một rễ cây, lăn xuống khe cùng chết ngay trong đêm ấy! Về sau này, những
người biết chuyện kể lại với nhau rằng con nữ tỳ ấy là một người bạn cũ
của Giáng Tuyết, trước dây cùng Giáng Tuyết đi buôn bán ở chợ Na La và
chính là một trong ba cô gái đã xin nghỉ trọ một đêm ở Tào Sơn Ðiện và bày
trò nguyệt hoa với một anh tuần tráng. Anh tuần tráng ấy bị bịnh hiểm
nghèo, không chữa nổi, cầm dao rạch bụng ra tự tử để lại một bầy con và
một người vợ, vì túng đói phải đi tha phương cầu thực rồi chết cả trong
một trận dịch đậu mùa.
Còn người con gái thứ ba xin nghỉ đỡ ở Tào Sơn Ðiện? Người đó không ai
khác hơn là Ngọc Hân Nương người vợ bạc mệnh mà Ðại Thông Thái Lang lấy ở
Yên Ðô, cái kinh thành có trăm nghìn phù hoa xa vọng mà Ðại Thông đã đến ở
đó với hy vọng lập được những sự nghiệp lẫy lừng. Riêng về cô gái này,
người ta không biết rõ tại sao cô có thể từ Na La trôi nổi về đến Yên Ðô
và tại sao cô ta từ một cô gái buôn bán tầm thường lại thành ra con gái
một đại phú thương để rồi gặp Ðại Thong kết duyên thành vợ chồng chung
sống một cuộc đời hoa gấm ở Làng Hốt Tử. Theo lời một số người buôn bán ở
chợ Na La sau này kể lại với nhau thì Giáng Tuyết, Ngọc Hân, và Anh Võ
(tên con nữ tỳ của Giáng Tuyết) là ba bạn chí thân nhưng về sau vì một
chuyện lãi lời gì đó cãi nhau rồi xa nhau.
Ngọc Hân về quê ở Linh Yên nhưng vì không chịu được cuộc đời khổ cực, trốn
nhà lên Yên Ðô và tại đó nàng lấy một phú thương, nhưng vì bà vợ phú
thương này quá ghen nên đem nàng bán cho một nhà chơi làm con hát đàn. Lúc
Ðại Thông lấy Ngọc Hân, nàng đang làm nghề đó, nhưng bởi vì vợ chồng chủ
nhà chơi khéo bịp bợm và dàn cảnh nên Ðại Thông tưởng nàng là con nhà quý
phái, có cha là phú thương và được tâng tiu chiều chuộng như hòn ngọc.
Ðem tất cả câu chuyện nghe được mà chấp nối lại với nhau, về sau người ta
mới biết tại sao lúc Ðại Thông gặp Giáng Tuyết đêm Quần Tinh hội, Giáng
Tuyết nói ngay với Ðại Thông rằng nàng biết Ngọc Hân và có ý ghen với số
kiếp của Ngọc Hân.
Bây giờ thì cả ba người đẹp ấy cùng chết cả rồi, mỗi người chết một cách
nhưng cùng chết khổ sở như nhau. Người ta bảo là tại vì mấy anh tuần tráng
bị ba cô làm tan cửa nát nhà, vợ con bị điên đảo mà chết oan chết uổng nên
theo dõi mà trả oán.
Sau khi biết hết đầu đuôi câu chuyện. Kim Tứ mỗi chiều lại làm bùa yểm, tự
đi dán la liệt ở các cửa ngõ nhà Ðại Thông.
Như thế, ma sẽ không đến trêu chàng được nữa. Ðại Thông một hôm hỏi:
- Thưa tiên sinh, tôi vẫn nghe thấy nói ở đời lấy ân mà trả oán,
chớ lấy oán mà trả oán, oán ấy không bao giờ tiêu tan. Sao những người
tuần tráng kia không lấy ân trả oán?
- Tiên sinh nói rất đúng. Nhưng lấy ân trả oán, họa chăng chỉ có
Ðức Phật làm được mà thôi, chớ thế nhân tầm thường thì thường vẫn lấy oán
trả oán, cho nên Nho giáo đã có câu: “Quân tử oán tam niên, tiểu nhân oán
nhãn tiền”. Người ta đang sống yên vui, bình dị, tự nhiên có người ở đâu
đến làm xáo trộn gia cang của họ làm cho gia đình tan nát, vợ con chia lìa
và chết tức chết tưởi, cái oán ấy không phải không hữu lý.
- Thế về phần tôi, tôi có tội tình gì mà ma quỷ đến ám ảnh tôi như
vậy?
- Cái đó cũng không lạ nữa. Ông bị ám ảnh, trêu ghẹp vì ông là
người đẹp trai mà lại có tài. Thiên hạ xưa nay vẫn ghét những người như
thết. Nói rộng ra thì nước này đối với nước kia cũng vậy, người ta chỉ
muốn chiếm những nước giàu có, bờ xôi ruộng mật, chớ ai lại đi xâm lăng
những nước nghèo khó bao giờ.
Kim Tứ cấm Ðại Thông bất cứ vì một lẽ gì cũng không được ra khỏi cửa trong
hai mươi mốt ngày, và cứ vào khoảng giờ sửu mỗi đêm lại phải thức dậy đọc
một bản kinh cứu khổ.
Linh hồn nàng Giáng Tuyết hẳn cũng có đến lảng vảng ở nhà chàng, nhưng chỉ
lảng vảng ở ngoài, không vào được trong nhà vì có những đạo bùa yểm rất
linh thiêng. Hai mươi mốt ngày trôi qua, Ðại Thông đã quên dần Giáng Tuyết
và sức khỏe đã hồi phục. Mùa đông qua đi, xuân tới với một bầu trời xanh
ngắt và xanh lá non. Ngoài vườn, sự nức mùi hoa thủy tiên. Trên các cây
anh đào, hoa nở đỏ như các cô tiên mặc áo hồng đang múa.
Trông hoa nở, Ðại Thông trạnh lòng nhớ đến hai người con gái là Ngọc Hân
và Giáng Tuyết, muốn đến thăm mộ Ngọc Hân và tìm đến Tào Sơn Ðiện xem quan
tài Giáng Tuyết có ai đến nhận không, nhưng nhớ lời dặn bảo của Kim Tứ,
chàng lại thôi, không dám. Nghe những người ở chung quanh đấy nói nhỏ với
nhau: vì ba bốn tháng sau gia đình ông Ðông Bích cũng không thấy lại nên
sư cụ trụ trì ở đó phải tự ý đem chôn nàng ở miếng đất sau chùa.
Ðó là vì gia đình Ðông Bích sau khi làm chay ở chùa về được mấy ngày thì
gặp tai biến. Nguyên trước đây ông Ðông Bích lúc còn buôn bán ở tỉnh thành
có giao du với một bọn quân nhân. Bọn này, đi đánh trận xa ở Á Ðông, có
gửi ông một số vàng khá lớn. Yên trí họ đi là chết, Ðông Bích cướp sống cả
chỗ vàng rồi dọn về Hốt Tử, nhưng chẳng may trong bọn quân nhân đi chiến
trận ở xa xôi lại có một vài người trở về. Thăm dò tin tức, biết được chỗ
ở của ông Ðông Bích, họ bèn tìm đến để hỏi thì bà Ðông Bích không chịu trả
mặc dầu có chữ của ông Ðông Bích biên nhận rành rành. Những người quân
nhân mất của, vô cùng uất hận, một đêm đột nhập nhà Ðông Bích giết bà và
mấy đứa cháu, không chừa một người nào.
Thi hài của Giáng Tuyết vì thế đành bỏ thối ra đến nửa năm trong một gian
phòng nhỏ, ẩm thấp, đêm đêm le lói một ngọn nến. Ðứng ở đầu hòm, có một
cái hình người trông như hình con đúm, tay xách một cái lồng đèn mẫu đơn.
Một hôm, một người bạn thân của Ðại Thông tên là Bán Phúc đến thăm chàng
và rủ chàng đi du ngoạn.
- Ở nhà mãi làm gì? Cảnh trời sáng lạng biết ngần nào. Cứ giam mình
trong học mãi thế này thì ốm mất. Chuyện “ma” ấy đã cũ lắm rồi.
Ðại Thông khoác cái áo mỏng và bình tĩnh ra đi với bạn...
Ðại Thông thấy rất khoan khoái đã được dự một buổi du ngoạn thú vị bên hồ
Bình Hoa.
Nước hồ lăn tăn gợn sóng, phản ánh màu da trời xanh ngắt. Ðỉnh núi Hữu La,
thay vì tuyết băng trắng xóa bắt đầu có lá xanh tươi, dưới chân núi hoa
đào đua nở, hương thơm ngát cả bầu trời.
Hai người bạn thân vô tình cùng hát lên một câu:
“Nếu không có rượu Hoàng Hoa...”
Rồi họ rủ nhau vào một quán rượu bên bờ hồ, ngồi xuống chiếu trải sẵn và
uống hết chén này đến chén khác. Ðến chén thứ chín, thứ mười Bán Thúc tiên
sinh đã ngà ngà say, nói huyên thuyên. Tiên sinh đến ngồi bên bác lái buôn
ở thành Hoành Tân để nói chuyện về mối tình duyên kỳ ảo giữa ma và người.
Ðại Thông lấy làm khó chịu nên bỏ ra đi chỗ khác.
Chàng đi chếnh choáng theo ven hồ vừa hát vừa cười một mình thì thấy ở
ngay đấy có một chiếc thuyền bỏ không, chàng bèn bước xuống nằm nghỉ một
lát cho đỡ mệt. Chàng nằm xuống sàn thuyền, lấy tay làm gối, và ngủ một
giấc thật say. Bỗng chàng hé mắt vì vừa ngửi thấy một mùi thơm thoang
thoảng... Xa xa, tiếng chuông chùa vẫn ngân vang rền rĩ... Ðại Thông giơ
hai tay lên ôm lấy đầu. Chàng tưởng như trông thấy trong bóng tối một làn
ánh sáng đỏ hé ra... ánh sáng của chiếc đèn lồng. Ðại Thông một tay cầm
mão tần ngần còn một tay cầm nhánh hoa có ai đó để trên thuyền tự lúc nào
để lên mũi ngửi. Mùi thơm của hoa làm chàng ngất ngây...
Hoàng hôn đổ xuống ở bên kia sông. Du khách đã lả tả ra về. Bỗng nhiên một
tiếng chuông chùa ngân nga đâu đó làm Bán Phúc tiên sinh như chợt tỉnh vội
hỏi:
- Ông bạn của tôi đâu rồi.
Nói đoạn. Bác Phúc vội trở dậy đi tìm quanh hồ và gọi ầm lên. Không một
tiếng trả lời, có chăng chỉ là tiếng vang đáp lại như giễu cợt. Ông lại
quay về chỗ cũ, trong lòng bối rối. Chính lúc đó ông trông thấy trong
khoang thuyền mập mờ cái mão đỏ của Ðại Thông và bên cạnh còn có một cành
hoa lê còn đẫm sương...
Sài Gòn, trọng xuân Kỷ Hợi.
Vũ Bằng
Phần 1Phần 2Phần 3