NGỌC HÂN, GIÁNG TUYẾT VÀ Ả NỮ TỲ XÁCH ÐÈN LỒNG
Phần 1
Tháng Giêng năm 1967, tôi có dịp đi chơi thăm mấy nước Á Ðông. Sau hơn một
tháng ở Thái Lan, Phi Luật Tân, Ðại Hàn, đáng lẽ phái đoàn báo chí của
chúng tôi về nước, nhưng không hiểu vì lý do gì chính trị hay ngoại giao,
ông Ðại Sứ ở Nhật lại đánh điện sang Ðại Hàn mời ghé qua Nhật. Theo chương
trình ấn định, phái đoàn chỉ lưu lại Nhật ba ngày ba đêm, nhưng đến giờ
chót thì máy bay không có, chúng tôi phải chia nhau thành ba nhóm, để về
cách biệt nhau.
Vì ngán Sài Gòn một phần mà phần khác cũng vì yêu mến nước Nhật thơ mộng,
tôi xin ở lại để về chót. Tưởng là chậm vài ngày, không ngờ chuyến nấy tôi
lưu lại Nhật đến gần nửa tháng. Bao nhiêu xí nghiệp, thông tấn xã, báo
quán, đài ti vi, bao nhiêu bộ phủ, cơ quan quân sự tôi đều đã đi thăm hết
cả trong những buổi đầu rồi, tôi chỉ còn biết la cà đi vào các “đề-các-tô”
để xem hàng hóa rồi nay quán này, mai tửu lầu nọ để xem xô (show) và
thưởng thức miếng ngon Nhật Bản. Chính lúc ấy, tôi nhớ đến nhà văn kiêm ký
giả Foumiko Tayabashi và tôi đã nhờ một người Nhật, thông thạo tiếng Pháp
và tiếng Việt từng mở tiệm kem máy ở đường Hàng Trống trước Thế Chiến Thứ
Nhì vẽ đường cho tôi tìm đến nhà ông.
Ông ở mãi trên một ngọn núi ở cách xa thành phố Ðông Kinh chừng hai mươi
cây số. Tôi đến thăm ông vào một buổi sáng rét dưới năm độ không. Ðứng ở
trên căn nhà gỗ nhìn xuống con đường quằn quèo trong vách đá, rộng thênh
thang đủ cho hai xe hơi đi lại dễ dàng, tôi thấy những cây thông phủ tuyết
trắng xóa, còn sông nước ở đằng xa thì đóng thành băng, người lớn và trẻ
nhỏ chơi trượt tuyết đông như hội. Nhưng ở căn nhà gỗ của ông Tayabashi
trên đỉnh núi thì im lặng hoàn toàn như một cái am. Cửa đóng kín như bưng,
tôi kêu mãi mới có một cô bé chừng mười một, mười hai tuổi ra mở cửa. Ðưa
lá thiếp vào trước để tự giới thiệu mình, tôi được một bà trạc lục tuần ra
tiếp. Bà này nói tiếng Nhật. Không nghe kịp, tôi xin lỗi. Lúc ấy bà mới
nói tiếng Anh. Tôi nghe lờ mờ không hiểu rõ, nhưng câu được câu mất, tôi
biết đại khái bà là vợ của văn sĩ Foumiko Tayabashi. Bà lòa cả hai con
mắt. Chồng bà chết hai năm nay rồi vì bom nguyên tử, bởi vì hồi đó ông ở
Xung Thằng để theo dõi tình hình chiến sự. Bây giờ bà ở với một đứa cháu
nuôi làm con nuôi, bởi vì hai con gái và một con trai bà cũng đã chết trận
sau chồng bà chừng độ dăm sáu tháng.
Tôi buồn não ruột khi nghe bà nói đến gia cảnh của bà. Tôi nói:
- Thưa bà, bao nhiêu lời chia buồn đều vô ích. Tôi đau khổ bằng cái
đau khổ của bà. Ông nhà với tôi là bạn, không ngờ buổi chia tay bữa ấy ở
thủ đô Bắc Việt lại là ngày vĩnh biệt.
Bà Foumiko nhất định giữ tôi lại vài ngày. Tôi cố từ chối nhưng không
được, đành phải ở lại một ngày. Ăn xong hai bữa, tôi lại được đứa cháu nhỏ
đưa đi các vùng lân cận để thăm các đền chùa miếu mạo. Buổi tối, chong một
ngọn đèn mờ lên uống nước trà do chính tôi học pha lấy theo lối Nhật, bà
Foumiko Tayabashi kể lại cho tôi những thảm cảnh chiến tranh, nhưng bà
không khóc, kể cả những khi nhắc đến chồng con đã qua đời. Tôi nói với bà:
- Thực ra tôi không được tiếp chuyện ông nhà nhiều, nhưng chỉ trò
chuyện một đêm, một đêm thôi, tôi đã biết ông nhà có một tâm hồn khoáng
đạt, giàu tha thứ và dù trải rất nhiều biến thiên, ông vẫn giữ nguyên vẹn
dân tộc tính và tỏ ra một lòng ái quốc sâu xa.
Câu nọ giắt câu kia, tôi nhắc lại chuyện “Cái Ðèn Lồng” mà ông Tayabashi
đã kể cho tôi nghe vào một đêm đông ở xóm Khâm Thiên, Hà Nội và tôi cũng
cứ thực tình nói với bà rằng tôi rất tiếc là không được biết câu chuyện ấy
đã kết thúc chưa.
Nghe tôi nói, bà Tayabashi ngạc nhiên không hiểu. Nhưng sau khi đã dùng
hết tuần trà, bà có vẻ như nhớ dần dần ra một chuyện đã mờ trong trí óc và
bảo tôi:
- À, bây giờ tôi nhớ ra rồi. “Cái Ðèn Lồng”... Phải, chồng tôi lúc
sống có viết một cuốn truyện như thế bằng tiếng Nhật và dường như đã đăng
từng kỳ trên hai tờ báo Anh Ngữ và Pháp Ngữ.
Nói đoạn, bà gọi cô cháu nhỏ ra nói một hồi lâu bằng tiếng Nhật. Cô cháu
đi vào.
Sáng hôm sau, cũng vào lúc dùng trà, bà Tayabashi đưa cho tôi một tập giấy
và nói:
- Hôm qua, cháu đã tìm được tập bản thảo này đây. Ông nói đúng:
chuyện “Cái Ðèn Lồng” do chồng tôi kể cho ông nghe chưa hết. Tập này viết
sau khi nhà tôi ở Việt Nam về, định đưa đăng tiếp, nhưng chẳng may thất
lạc nên đành xếp đấy, mà tôi cũng chẳng nghĩ đến việc gửi cho nhà báo làm
gì. Bởi vì ông thiết tha đến câu chuyện ấy, tôi xin kính biếu ông để ông
coi. Còn tôi, vô phúc cho tôi là bị hư mất cả hai con mắt vì chất phóng xạ
nguyên tử, tôi không thể đọc được nên cũng không biết gì. Ông đọc sẽ thấy
câu chuyện rồi sau kết thúc ra sao. Tôi xin vì vong hồn của chồng tôi cảm
ơn ông vì ông đã yêu mến chồng tôi và đến thăm chúng tôi ngày hôm nay...
Xe xuống đến chân núi, tôi ngửng đầu nhìn lên hãy còn thấy bà Tayabashi
đứng dựa vào cánh cửa tiễn tôi và vẫy tay chào.
Muốn giơ tay ra chào lại, mà biết rằng có vẫy tay thì bà ta cũng chẳng
thấy gì, tôi cảm thấy chưa buồn như thế bao giờ.
Về đến khách sạn, tôi nằm úp mặt vào cái áo kimônô mới do cô hầu phòng để
sẵn cho khách thay mỗi sáng và bảo bồi đừng mang cơm lên sáng đó. Người
bồi hỏi tôi:
- Ông bịnh? Có cần phải nói với bác sĩ không, bởi vì khách sạn lúc
nào cũng có bác sĩ trông nom.
- Khỏi cần. Nhưng nếu có rượu mà không phải rượu “sa-kê” đem cho
tôi một chai nhỏ uống chơi cho đỡ lạnh.
Cả buổi trưa hôm đó, tôi cứ ngồi nhắm rượu một mình, vừa nhắm vừa giở tập
bản thảo của ông Tayabashi ra đọc tiếp truyện “Cái Ðèn Lồng: để xem có ai
đến nhận chôn người con gái tự tử quàn ở trong Tào Sơn Ðiện gần hồ Bình
Hoa không.
Chẳng có ai đến nhận xác Giáng Tuyết, kể cả người tự nhận là mẹ nàng đến
xin với vị sư trụ trì làm chay cho nàng.
Thế là nghĩa lý gì? Tại sao người ta lại bỏ Giáng Tuyết như thế? Mà Giáng
Tuyết tại sao lại tự tử để rồi nằm chết thân một mình trong ngôi đền hoang
vắng thê lương?
Thì ra muốn biết đầu đuôi câu chuyện này, người ta phải quay về sống lại
một khoảng thời gian đã mờ rồi, cách đó bảy năm trời.
Phần 2