Năm 1821, tại thị xã Newtown Montgomeryshire thuộc nước Wales1, có một
người đàn ông tên là John Newton mang tội giết người và được đưa ra trước
tòa để thẩm phán. Ðứng trước quan tòa ông ta khẳng định tuyên bố rằng ông
là người vô tội, nhưng dựa vào những chứng cớ của hai người mà ông ta nói
rằng họ sẽ được lợi ích nếu ông chết đi, cho nên những lời ông nói đều vô
hiệu. Cuối cùng ông ta bị kết án và xử tử treo cổ.
Nhìn thẳng vào quan tòa với ánh mắt nẩy lửa, Newton thét lớn:
- TÔI VÔ TỘI! TÔI LÀ NGƯỜI VÔ TỘI! ÐỂ CHỨNG MINH ÐIỀU ÐÓ, TÔI SẼ
KHÔNG CHO NGỌN CỎ XANH TƯƠI NÀO MỌC TRÊN MỒ CỦA TÔI. MÃI MÃI KHÔNG CÓ NGỌN
CỎ TƯƠI XANH NÀO MỌC TRÊN NGÔI MỒ CỦA TÔIIIII!
Vài ngày sau, John Newton đã bị treo cổ công khai trước quần chúng. Thật
là kỳ lạ khi lễ xử tội bắt đầu thì bỗng đâu một cơn bão kéo tới sấm sét
vang rền làm những người có mặt tại hiện trường đều ngạc nhiên và lo sợ...
Sau khi ông Newton chết, xác của ông được chôn trên mảnh đất sau một thánh
đường thuộc vùng ngoại ô thành phố.
Khu nghĩa địa này là một mảnh đất xanh tươi với những ngọn cỏ được bón
phân cắt tỉa mỗi tuần với những mộ bia nằm từng hàng thẳng tắp trong thật
đẹp mắt, nhưng từ khi xác của John Newton được chôn ở đây thì miếng đất
này không được hoàn mỹ giống như xưa. Ấy là vì giữa một tấm thảm cỏ xanh
mướt lại có một khoảng đất hình chữ nhật trơ trọi mọc một loại cỏ dại bò
chung quanh theo khuôn khổ của chiếc quan tài nằm bên dưới.
Mỗi ngày những dân cư đi qua đều có thể trông thấy ngôi mộ của Newton vì
thế mặc cảm tội lỗi và nỗi đau buồn về một kẻ bị giết oan càng ngày càng
tăng dần trong khu thị xã nhỏ này. Ðể xóa đi những cảm giác ấy, chính
quyền địa phương đã nghĩ ra một cách nếu cỏ không tự mọc trên ngôi mộ này
được thì họ có thể trồng cỏ lên trên đó. Họ đem những thứ đất tốt đổ lên
ngôi mộ trải ra cho đều, sau đó họ rải những hạt cỏ lên rồi tưới nước rất
cẩn thận. Nhưng nhiều ngày trôi qua không một hạt cỏ nào nẩy mầm.
Và vài tháng sau người ta lại tìm đủ mọi cách để trồng cỏ, cứ như vậy
người ta lại trồng cỏ bón phân tưới nước nhưng trải qua nhiều năm một cọng
cỏ xanh tươi cũng không thể mọc được trên nấm mồ của người đàn ông Welsh
này.
Vào năm 1852 một vị giáo sĩ tên là Robert Mostyn Price đã đứng lên biện hộ
cho người đàn ông bị treo cổ.
Ông ta viết:
“Ðã ba năm trôi qua mà chúng ta không thể trồng cỏ trên nấm mồ này cho dù
chúng ta đã dùng đủ mọi cách, đủ mọi phương pháp nhưng một cọng cỏ cũng
không thể mọc lên. Vì vậy tôi cùng nhiều người khác tin rằng đây là sự
chứng minh “vô tội” của người đàn ông đáng thương.”
Nhưng khó có thể làm cho người ta chấp nhận được sự thật rằng quan tòa đã
xử án sai lầm để một người đàn ông vô tội phải chết. Cho nên một lần nữa
họ lại gắng sức làm cho cỏ mọc trên ngôi mồ của Newton bằng cách đổ lên đó
một thứ đất phân thật tốt, rồi cấy những cây cỏ xanh tươi dễ trồng nhất
rồi tưới nước và chăm sóc rất kỹ lưỡng.
Mọi người hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng thì người ta cũng thấy được những cây
cỏ mới cấy bắt đầu trổ lá non; lúc đó ai cũng hớn hở vì cỏ đã mọc được
trên nấm mồ Newton rồi như vậy họ sẽ không còn cảm thấy mặc cảm tội lỗi
bao trùm trong bầu không khí chung quanh đây nữa. Nhưng tiếc thay chỉ qua
một đêm, những loại cỏ dại đã bò lên dầy đặc nuốt chửng mất những cây cỏ
xanh tươi vừa mới bắt đầu trổ lá non. Không biết tại sao loại cỏ này lại
mọc nhanh như thế? Mọi người không ai có thể hiểu nổi có lẽ chỉ có linh
hồn người quá cố nằm bên dưới quan tài mới biết được.
Cũng từ đó không ai màng đến việc trồng cỏ lên ngôi mộ của ông Newton nữa
vì họ biết rằng cho dù có trồng thì cũng vô dụng... vì vậy mảnh đất nhỏ
xấu xí này tiếp tục đứng vững trong vùng đất xanh mướt màu cỏ non ...
Cho đến thế kỷ sau, năm 1941, một người đến viếng khu nghĩa địa này vẫn có
thể chỉ đúng ngay ngôi mồ của Newton, một mảnh đất có nhiều cỏ dại bò ngổn
ngang theo khuôn của chiếc quan tài vẫn còn nằm giữa mảnh đất xanh tươi
đẹp đẽ, đó là chứng cớ thầm lặng về sự phán xét sai lầm của tòa án với lời
nguyền của người đàn ông nước Wales.
(1) Wales là một nước nhỏ nằm cạnh bên nước Anh về hướng tây.
Trích từ quyển “Murder Will Out” do nhà sách Sterling Co. ấn hành.